Chọn giày có dây hay giày không dây? Có nên tháo dây giày?
Chọn giày có dây hay giày không dây? Giày không dây tốt hơn hay giày có dây tốt hơn? Một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất ở thời đại của những đôi giày đầy công nghệ chính là “Liệu chúng ta nên chọn một đôi giày có xỏ dây hay một đôi giày “phẳng phiu” không dây? Hay có nên đơn giản tự làm cho mình một đôi giày “không dây” bằng cách…tháo bỏ sợi dây trên đôi giày?
Vậy nên hôm nay, chúng mình sẽ bàn về những mặt lợi và hại của một đôi giày không dây so với đôi giày có dây. Và video này cũng sẽ giải thích vì sao việc tháo bỏ phần dây giày trên một đôi giày vốn dĩ có dây, để tự chế cho mình đôi giày “không dây” là việc hoàn toàn…không nên làm.
VẬY HÃY BẮT ĐẦU VỚI PHIÊN BẢN GIÀY CÓ DÂY TRUYỀN THỐNG
Thiết kế giày xỏ dây là một thứ…cực kỳ truyền thống, bởi nó đã tồn tại quá lâu rồi. Và rõ ràng hệ thống dây giày đem đến những lợi ích rõ rệt.
Lợi ích đầu tiên chính là bàn chân bạn được “khóa” chặt bên trong đôi giày. Khi có một phần dây xỏ trên bề mặt đôi giày của bạn, chân bạn được cột chặt vào đôi giày, theo nhiều hướng. Đừng xem thường nhé, phần dây giày giúp khóa chân bạn sát xuống lòng trong của đôi giày, và cả phần gót giày nữa. Ngoài ra, nó còn giúp triệt tiêu khoản không gian xung quanh phần mu bàn chân của bạn. Tất cả những điều này giúp ngăn bàn chân bạn “trượt” qua lại và tới lui bên trong đôi giày, từ đó khiến bạn cảm nhận được những thứ bên ngoài đôi giày như lực nảy của quả bóng và phản hồi từ bề mặt sân tốt hơn. Nhờ đó, bạn sẽ phản ứng được tốt hơn khi chơi bóng.
Thứ hai, mang giày có dây nghĩa là bạn có thể tùy chỉnh form giày theo ý muốn và theo hình dáng bàn chân của mình. Một số người thích đôi giày phải ôm cứng ở phần lòng trong, số khác thích phần gót giày chặt hơn, hoặc có những người thích có phần mũi giày thật sát với ngón chân chẳng hạn. Tất cả những điều này đều có thể điều chỉnh được thông qua hệ thống dây giày. Bạn có thể nới lỏng dây ở một vị trí nhất định nào đó trên thân giày, hoặc rút chặt dây ở vị trí mình muốn, từ đó tùy chỉnh hoàn toàn đôi giày theo ý thích của mình. Theo mình, chỉ trừ một số trường hợp chân bạn hoàn toàn vừa khít với một mẫu giày nào đó, bạn sẽ không cần phần dây giày. Nhưng trường hợp đó thường ít khi xảy ra.
Ngoài ra một lợi thế khác có thể nhắc đến là giày có dây thường…rẻ hơn những phiên bản không dây nhiều. Tuy nhiên lợi thế về giá cả này lại dẫn đến một bất lợi ở phương diện khác. Bạn biết đấy, không ai cho không ai cái gì cả và thường thì người ta hay nói là tiền nào của nấy. Các phiên bản có dây thường rẻ hơn phiên bản không dây của cùng một dòng giày, bởi vì nhà sản xuất (nói thẳng ra là adidas vì hiện tại hầu như chỉ có adidas là “bá chủ” ở thị trường giày không dây, vốn là sân chơi do chính họ tạo ra…) sẽ sử dụng các loại vật liệu ít tân tiến, ít cao cấp hơn để làm nên một đôi giày có dây. Lý do thì đơn giản thôi, vì adidas đang quảng bá những dòng giày không dây là tầng lớp cao cấp bậc nhất trong hệ thống các dòng giày của họ. Vậy nên những đôi giày không dây top đầu luôn là những đôi giày có công nghệ tiên tiến nhất, sử dụng vật liệu xịn sò nhất. Và đó là điều mà các bạn sẽ phải chấp nhận trong thế giới giày đá bóng năm 2020 này, bởi vì…cuộc sống mà.
Nhưng nói thì nói vậy, ít cao cấp hơn thôi, chứ một đôi Predator 20.1 (là phiên bản có dây của dòng Predator) vẫn có cho mình loại vật liệu cực kỳ tốt rồi. Đừng lo lắng quá.
Một số người còn có thể nói rằng ở thời điểm hiện tại giày có dây là một điểm trừ, bởi phần dây giày sẽ chiếm chỗ và làm cho phần upper của đôi giày không được bằng phẳng, trơn tru, Ngoài ra còn làm xấu đôi giày nữa. Phần này thì theo mình sẽ thiên về ý kiến chủ quan của từng người hơn, có người thấy xấu, người khác lại thấy đẹp. Tuy nhiên mình phải nói rằng nếu bạn đang phân vân giữa một đôi giày có dây và một đôi giày không dây, hãy ưu tiên chọn đôi giày có dây. Bởi suy cho cùng phần dây giày chẳng thể ảnh hưởng gì đến khả năng chơi bóng của bạn đâu, cái bạn cần nhất vẫn là một đôi giày vừa vặn, phù hợp với form chân của mình hơn.
TIẾP THEO CHÚNG TA LẠI NÓI VỀ GIÀY KHÔNG DÂY
Như bạn đã biết, hoặc có thể chưa biết, đôi giày không dây đầu tiên được chính thức giới thiệu là đôi…Lotto Zhero Gravity, thuộc về thương hiệu sản xuất giày bóng đá của Ý – Lotto.
Nhưng thế hệ giày không dây chỉ thật sự trở nên bùng nổ và phổ biến tận 10 năm sau đó, với cột mốc đánh dấu là đôi Adidas Ace 16+ Pure Control. Nguyên lý của một thiết kế giày không dây chính là đầu tiên, người ta bỏ phần dây ra khỏi đôi giày – điều mà nghe là đã biết rồi. Sau đó, form giày cần được thiết kế sao cho đôi giày sẽ bó chặt vào chân bạn ở phần giữa của bàn chân, cũng chính là vị trí của phần dây giày mà nhà sản xuất đã loại bỏ trước đó. Vì sao phải làm bó chặt thì chúng ta đã phân tích ở nội dung giày có dây ở đâu video rồi, chính là để ngăn bàn chân của bạn xê dịch bên trong đôi giày. Ngoài ra thì ý tưởng của Adidas về một đôi giày không dây chính là để giúp người mang có được cảm giác “thanh thoát”, phẳng phiu, cảm giác đôi giày hòa làm một với bàn chân của bạn. Giống như đang mang một chiếc vớ vậy. Và từ đó, làm cho cảm giác khi tiếp xúc bóng phần nào trở nên “thật” và tự nhiên hơn.
Bên cạnh đó, vẻ ngoài độc đáo của một đôi giày không dây cũng làm cho người ta hứng thú với nó hơn. Bạn sẽ cảm thấy có chút hào hứng khi đôi giày của mình khác biệt với phần còn lại trên sân, đúng không nào? Nhất là khi nó trông tiên tiến, hiện đại và chứa đầy công nghệ, như thể đến từ tương lai vậy!
Tuy nhiên, bỏ qua những lời đường mật từ nhà sản xuất thì một đôi giày không dây sẽ luôn luôn, luôn luôn có cảm giác lỏng lẻo hơn đôi giày có dây. Điều này đến từ thiết kế và chất liệu làm nên đôi giày. Bạn thấy đó, để chân bạn có thể xỏ vào và rút ra khỏi một đôi giày không dây, thường thì nó sẽ được làm từ vật liệu co giãn, như sợi thun vậy. Và vật liệu co giãn dù có tiên tiến đến đâu thì cũng không thể nào khóa chặt đôi chân của bạn xuống như phần dây giày có thể làm được. Một ví dụ cực kỳ đơn giản chính là với một đôi giày không dây, khi muốn cởi giày ra bạn chỉ cần kéo nó ra khỏi bàn chân mình, còn đối với một đôi giày đang được cột dây thì chắc chắn là bạn không làm được điều đó rồi.
Giày không dây còn thua thiệt hơn một đôi giày có dây ở chỗ bạn không thể điều chỉnh form giày theo bàn chân hay ý thích của mình được. Mất đi phần dây giày, bạn không thể thắt chặt ở những vị trí mình muốn hay thả lỏng ở những vị trí khác. Điều này đồng nghĩa với việc một đôi giày không dây sẽ chỉ đem lại sự thoải mái khi đôi chân bạn thật sự hợp với form giày này mà thôi. Mà điều đó thì theo mình là ít khi xảy ra, hoặc có thể là chân bạn sẽ chỉ tương thích với form giày một phần nào đó mà thôi. Nếu đôi giày hơi rộng ở phần giữa bàn chân, bạn không thể điều chỉnh. Nếu nó hơi lỏng ở phần gót, bạn cũng không thể điều chỉnh nốt. Nói thẳng ra, khi mang thử một đôi giày không dây, nếu bạn thấy thoải mái, thì OK, đó là đôi giày dành cho bạn. Còn nếu xỏ vào mà không thoải mái, thì bạn chẳng làm gì được với nó cả, bỏ nó ra và lựa cho mình một đôi giày khác đi thôi…
Và giày không dây lại còn đắt hơn giày có dây nữa. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đắt hơn, nhưng một đôi giày không dây thường được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến hơn giày có dây. Phần vật liệu thân giày sẽ được làm cao cấp hơn để đảm bảo có thể co giãn nhiều lần mà không bị hư hỏng, phần form giày được thiết kế chăm chút hơn, để đảm bảo có thể…xỏ vào nhiều hình dáng bàn chân nhất có thể. Vậy nên bạn sẽ là người phải quyết định mình thích bên nào hơn, và số tiền phải bỏ ra nhiều hơn cho một đôi giày không dây có đáng giá với bạn hay không.
VẬY NẾU BẠN MUỐN CÓ MỘT ĐÔI GIÀY KHÔNG DÂY NHƯNG KHÔNG MUỐN BỎ RA NHIỀU TIỀN HƠN?
Có vài người phát minh ra một cách, đó là…tháo bỏ phần dây giày trên đôi giày có dây.
Điều này xuất phát từ việc các thiết kế giày đá bóng ngày nay thường có phần upper “một mảnh” – tức là không còn phần lưỡi gà truyền thống nữa, thay vào đó toàn bộ đôi giày được làm từ một mảnh vật liệu duy nhất liền mạch từ đầu tới cuối. Vậy nên khi tháo bỏ phần dây giày ra thì đôi giày có dây (đã mất dây) lúc này trông cũng…giống đôi giày không dây lắm. Lúc này bạn cũng có một đôi giày liền mạch phẳng phiu, lại còn rẻ hơn giày không dây thứ thiệt. Tiện cả đôi đường đúng không nào?
Hmmmm – Không đâu.
Như mình đã nói ở trên, một đôi giày không dây được cấu tạo từ vật liệu khác biệt với giày có dây, bởi phần vật liệu này phải tự động bó chặt bàn chân của bạn mà không có sự hỗ trợ của dây giày. Ngoài ra thì form giày cũng phải được làm lại để giúp cho việc bó chặt đó được tốt hơn. Còn đối với một đôi giày được thiết kế là có dây, thì sự bó chặt đó lại đến từ phần dây giày. Điều này đồng nghĩa với việc chất liệu của phần thân giày cũng như thiết kế form giày sẽ không đủ để có thể giữ chặt đôi chân của bạn. Vậy nên nếu bạn tự ý bỏ đi phần dây giày của một đôi giày được thiết kế…có dây, bạn đang làm giảm hay có lẽ là đánh mất hoàn toàn khả năng giữ chặt đôi chân của bạn vào đôi giày. Chân bạn lúc này sẽ dễ dàng bị xê dịch, lệch lạc bên trong đôi giày và có thể dẫn đến nhiều tình huống xấu khác, như chấn thương chẳng hạn.
Nói tóm lại, là bạn không thể tự tạo cho mình đôi giày không dây bằng cách bỏ dây đâu. Nếu bạn thật sự thích một đôi giày không dây, hãy cố gắng mua cho mình một đôi giày không dây đích thực.
VẬY ĐỂ MÌNH TỔNG KẾT LẠI NHỮNG GÌ BẠN CẦN NHỚ TRONG VIDEO NGÀY HÔM NAY NHÉ
Giày có dây vẫn đang có nhiều ưu điểm:
- Một là giúp khóa chặt chân bạn vào đôi giày hơn
- Hai là giúp bạn điều chỉnh được độ chặt của đôi giày ở từng vị trí nhất định tùy theo ý thích
- Và ba là rẻ hơn giày không dây khá nhiều
Tuy nhiên ở phần còn lại, một đôi giày không dây đem đến cho bạn:
- Thứ nhất, công nghệ và vật liệu tốt nhất từ nhà sản xuất mà phiên bản có dây không thể đem lại
- Thứ hai, vẻ ngoài tiên tiến, hiện đại hơn, tạo nên sự khác biệt và nổi bật khi mang
- Thứ ba, cảm giác phẳng phiu, liền mạch trên toàn bộ bề mặt đôi giày.
Tất nhiên, những điểm cộng ở trên đi cùng với giá tiền đắt hơn một đôi giày có dây nhé. Ngoài ra thì giày không dây sẽ không giữ chặt chân bạn bằng một đôi giày có dây, nhưng bạn có thể đặt niềm tin vào nhà sản xuất và hi vọng họ sẽ càng ngày càng cải tiến công nghệ giày không dây, để đem đến những mẫu giày có thể vừa vặn với mọi bàn chân.
Và sau cùng là nếu một đôi giày được thiết kế có dây, hãy giữ nguyên nó và sử dụng dây giày đi, đừng tự chế cho mình một phiên bản lỗi của giày không dây, vì nó không đem đến cho bạn lợi ích nào cả ngoài việc nó trông giống một đôi giày không dây.
Theo dõi blog của ThanhHung Futsal để biết được những thông tin mới nhất về những đôi giày bóng đá chính hãng đã và sắp có mặt trên thị trường toàn thế giới nhé. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm những đôi giày bóng đá chính hãng phiên bản dành cho mặt sân cỏ nhân tạo và Futsal tại đây.
Hãy cùng đến Thanh Hùng Futsal để trải nghiệm dịch vụ với chất lượng được các ngôi sao hàng đầu thế giới kiểm chứng.
Tham khảo và nhận tư vấn giày thể thao tại:
Thanh Hùng Futsal: Số 27 đường D52, Phường 12, Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.