Vì sao Nike đang mất dần các ngôi sao bóng đá hàng đầu của mình?
Trước khi bước vào phần chính của bài viết ngày hôm nay, hãy cùng mình bắt chuyến tàu ngược thời gian để đi về thời điểm này vào năm ngoái nhé!
Tháng 9 năm 2020, Neymar chính thức chấm dứt “mối lương duyên” giữa mình và Nike sau hơn 15 năm gắn bó để chọn đầu quân cho PUMA.
Sự kiện này có thể được ví như phát súng đầu tiên dẫn đến sự ra đi hàng loạt của các ngôi sao tên tuổi hàng đầu như: Raheem Sterling đầu quân cho New Balance, Sergio Ramos, Thiago Alcantara và người đồng đội cũ của anh tại Bayern Munich - Leon Goretzka cũng đã lần lượt gia nhập adidas… Hay gần đây nhất chính là Christian Pulisic - biểu tượng mới của nền bóng đá xứ sở Hoa Kỳ trong thập kỷ này cũng đã chuyển sang đầu quân cho PUMA.
Robert Lewandowski cũng từng có 1 quãng thời gian dài chỉ mang trên chân mẫu giày Phantom Venom, dù người kế nhiệm của nó là Phantom GT đã được ra mắt hơn 1 năm.
Vì sao trong cùng một quãng thời gian, cụ thể là năm 2020, Nike đã dần đánh mất các ngôi sao bóng đá lớn nhất của mình? Liệu hãng thể thao lớn nhất thế giới đang có những toan tính hay nước đi riêng gì cho mình?
Các thương hiệu thể thao lớn nhất trên thế giới như Nike, adidas, PUMA… tài trợ cho những cầu thủ chuyên nghiệp để họ sử dụng sản phẩm của mình. Nói cách khác, họ trả tiền để những sản phẩm của mình được xem bởi hàng triệu khán giả trên TV - những người sẽ muốn mua và mang các đôi giày đá bóng giống với thần tượng của mình.
5 giải vô địch hàng đầu châu Âu bao gồm Premier League, La Liga, Serie A, Bundesliga và Ligue 1 chính là những giải đấu thu hút được nhiều lượt xem và quan tâm nhất. Vì thế, đây cũng là năm thị trường đóng vai trò quan trọng nhất trong những chiến dịch marketing và các cầu thủ đang thi đấu ở đây đương nhiên sẽ là những đôi chân mang giá trị thương hiệu cao nhất.
Theo chuyên trang thống kê về giày đá bóng Football Boots Database, mùa giải 21/22, Nike, adidas và PUMA chiếm tổng cộng 97% thị phần của thị trường thế giới bóng đá, với con số lần lượt của từng hãng là 51.2%, 37.4% và 8.4%. Tuy nhiên, trong quá khứ, mọi chuyện đã từng không xảy ra như hiện nay.
adidas và PUMA đã từng thống trị thế giới bóng đá và Nike ban đầu chỉ là công ty chuyên sản xuất giày chạy bộ. Sau khi được thành lập, Nike chỉ tập trung chủ yếu vào thị trường Mỹ - nơi bóng đá không được quan tâm và yêu thích nhiều như các bộ môn khác như bóng rổ, bóng chày, bóng bầu dục… Nhưng khi hãng lên kế hoạch mở rộng thị trường sang châu Âu, họ hiểu rằng bóng đá phải là ưu tiên phát triển hàng đầu tại lục địa già.
Bây giờ, hãy cùng mình đào sâu về câu chuyện lịch sử xảy ra ngót nghét hơn cách đây 30 năm.
Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, Nike đã chính thức có đợt đổ bộ lớn đầu tiên vào thị trường giày đá bóng thế giới khi ký hợp đồng với những ngôi sao nổi tiếng thời bấy giờ như Romario, Edgar Davids hay Eric Cantona. Chiến thắng lớn đầu tiên của hãng đến vào năm 1996 khi Nike ký hợp đồng tài trợ với đội tuyển quốc gia Brazil, những người đã nâng cao chiếc cúp vàng World Cup danh giá 6 năm sau đó. Chính điều này đã mang lại sức hút cho nhà Swoosh và giúp họ thu hút được nhiều cầu thủ nổi tiếng.
Tuy nhiên, Nike vẫn đứng sau adidas, hãng đã đầu tư vào bóng đá sớm hơn và có mạng lưới quan hệ rộng khắp với các câu lạc bộ và người đại diện trên toàn châu Âu. Đặc biệt ở những nước “sân nhà” của adidas như Đức và Pháp thì Nike lại càng gặp khó khăn hơn trong việc ký hợp đồng với các cầu thủ hàng đầu. Lấy ví dụ tại Đức, cầu thủ ngôi sao đầu tiên mà Nike có thể ký chính là Miroslav Klose, trong khi Ballack, Kahn, Schweinsteiger, Lahm, Müller và Neuer đều là những gương mặt đại diện nổi tiếng cho adidas.
Từ đó, chúng ta có thể đoán rằng Nike đã đầu tư rất nhiều tiền mọi lúc và mọi nơi. Con số 51.2% thị phần thị trường thế giới bóng đá mà chúng ta có thể thấy ngày hôm nay xuất phát từ mục tiêu “thu hút không chỉ những cầu thủ nổi tiếng nhất mà còn đầu tư vào nhiều cầu thủ nhất có thể”. Ý tưởng họ nghĩ ra có thể là nếu một nửa cầu thủ ở giải đấu mang giày đá bóng Nike thì nhà Swoosh dĩ nhiên sẽ trở thành thương hiệu sản phẩm bóng đá đáng tin cậy. Chiến dịch này đã thành công và biến họ trở thành “ông trùm” thực thụ trong thế giới bóng đá. Rất nhiều ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới hiện nay đang đại diện cho Nike, trong đó không thể không nhắc đến Cristiano Ronaldo.
Vậy thì, quay lại câu hỏi chính của ngày hôm nay, vì sao Nike lại để nhiều ngôi sao hàng đầu của họ ra đi như vậy?
Trước hết là ở trường hợp của Neymar. Câu trả lời đơn giản là vì tiền. Neymar muốn rất nhiều tiền, nhưng Nike không thể đáp ứng được con số do cầu thủ PSG đưa ra. Ngoài ra, động cơ đằng sau cuộc chia ly này có thể bắt nguồn từ việc Neymar biết rằng mình không thể là số 1 tại Nike khi họ đã có một Cristiano Ronaldo quá toàn năng về mọi mặt. Lý do tương tự như việc Neymar chia tay Barca để đến với Paris Saint Germain vì anh không muốn mãi sống dưới cái bóng của Messi. Siêu sao người Brazil muốn là số 1, muốn là người đứng trên đỉnh cao của mọi thứ và Neymar thừa hiểu rằng PUMA có thể cho anh điều đó. Chưa kể, nếu còn tiếp tục ở lại Nike thì vị thế số 2 như lúc bấy giờ của Neymar có thể dễ dàng lọt vào tay người đồng đội của anh tại PSG là Kylian Mbappe bất cứ khi nào. Vì thế, nhà Báo Đức đã không ngại bỏ ra một số tiền lớn để rước Neymar về và biến anh trở thành cầu thủ có hợp đồng tài trợ cá nhân cao nhất trong thế giới Túc cầu giáo.
Về phía Nike, liệu họ có cảm thấy tiếc nuối khi để vụt mất đứa con cưng 15 năm của mình? Câu trả lời có thể là không! Các chuyên gia kinh tế của Nike ắt hẳn đã tính toán kỹ lưỡng những lợi ích về mặt kinh tế mà Neymar có thể mang lại và thực tế rằng anh sắp bước sang độ tuổi băm trước khi đưa ra quyết định sau cuối. Thông qua việc Nike đồng ý chấm dứt hợp đồng với Neymar sớm hai năm, chúng ta có thể thấy được rằng nhà Swoosh không còn quá chú trọng việc níu chân tiền đạo người Brazil. Thay vào đó, họ có thể tiết kiệm được một khoản tiền khổng lồ, đặt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khủng hoảng vì đại dịch Covid-19.
Raheem Sterling cũng là một trường hợp thú vị đáng để nhắc đến. Tiền đạo người Anh trẻ hơn vài tuổi so với Neymar và đang bước vào giai đoạn chín nhất của sự nghiệp. Ngoài ra, Sterling cũng là một nhân vật thu hút nhiều sự chú ý trên thị trường và được Nike đầu tư rất nhiều trong các chiến dịch marketing nhằm biến anh trở thành gương mặt đại diện hàng đầu cho nhà Swoosh. Anh còn có thể trở thành người phát ngôn chính cho Nike trong các chủ đề xã hội, ví dụ như về vấn đề phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, sau cùng, Nike vẫn quyết định chia tay ngôi sao người Anh. Có vẻ như New Balance vẫn còn dư dả tài chính sau khi kết thúc hợp đồng với Liverpool và hãng sẵn sàng đáp ứng cho Sterling số tiền mà Nike không thể trả, vì thế họ quyết định biến tiền đạo Man City trở thành gương mặt đại diện chính của hãng.
Khác với trường hợp của Neymar, Nike có lẽ không phải bận tâm quá nhiều vì sự ra đi của Sterling bởi họ đã sẵn có cho mình một ngôi sao với các phẩm chất tương tự nhưng còn trẻ và tạo được tầm ảnh hưởng lên xã hội lớn hơn là Marcus Rashford. Cần biết rằng trong năm 2020, Rashford đã nhận được rất nhiều sự tôn trọng cũng như công nhận đối với những gì anh đã cống hiến cho trẻ em nước Anh.
Có thể thấy Nike đã tỏ ra dè chừng hơn trong từng khoản đầu tư của mình vào thế giới bóng đá. Họ đã không còn “ném tiền ra cửa sổ” để ký với mọi cầu thủ có thể như trước đây. Trường hợp của Robert Lewandowski chính là minh chứng cụ thể nhất. Mặc dù Lewandowski đã giành giải thưởng cầu thủ của năm 2020 từ FIFA và tiếp tục thể hiện phong độ chói sáng xuyên suốt từ đó đến nay, Nike vẫn chần chừ trong việc gia hạn hợp đồng với anh. Chưa có thông báo chính thức nào về việc siêu sao người Ba Lan rời Nike nhưng Lewandowski đã không mang trên chân những mẫu giày mới nhất của nhà Swoosh hơn 1 năm nay. Khi anh dành phần lớn thời gian mang mẫu giày Phantom Venom và gần đây nhất là Mercurial Superfly 8 phối màu Euro. Neymar, Sterling và hàng loạt cái tên nổi đình nổi đám khác đang lần lượt rời Nike và tìm kiếm cho mình một nhà tài trợ mới.
Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến “cuộc tháo chạy” gần như cùng lúc của những ngôi sao này? Đại dịch Covid-19 không thể không được nhắc tới. Ngành công nghiệp đồ dùng thể thao đã bị giáng một đòn cực mạnh như bao ngành kinh tế khác, xét trong bối cảnh các sự kiện thể thao lớn nhất thế giới như Euro, Copa America và Olympic đều bị hoãn lại sang năm nay, nhưng không thể thu hút được lượng lớn khán giả do các quy định về giãn cách. Do đó, doanh thu của các thương hiệu lớn như Nike, adidas… bị ảnh hưởng cũng là điều dễ hiểu. Vì thế, các hãng cần điều tiết ngân sách của mình và tiết kiệm mọi khoản tiền mà họ có thể. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 không phải là tác nhân chính cho sự ra đi của hàng loạt tên tuổi đến từ Nike, mà có thể nói đây là bước đệm giúp đẩy nhanh quá trình này.
Chúng ta có thể thấy rõ điều này hơn khi nhìn vào những cầu thủ mà họ đang ký và đặt cược vào. Ví dụ như Erling Haaland. Haaland là một trong số ít những cầu thủ được Nike chọn để quảng cáo cho dòng giày Mercurial Dream Speed nổi tiếng của hãng và còn được dành tặng hẳn một đôi giày custom hai màu đen vàng sau khi giành giải thưởng Golden Boy năm 2020. Vì thế, Nike sẵn sàng để Robert Lewandowski - tiền đạo số 1 thế giới hiện nay ra đi để giữ lại Haaland - người có tiềm năng lớn trở thành trung phong cắm giỏi nhất thế giới trong tương lai. Tất nhiên không thể không nhắc đến vai trò của Kylian Mbappe - người đã được Nike dọn đường sẵn để tiếp nối ngôi vị mà Ronaldo để lại. Đây cũng chính là một trong những lí do dẫn đến sự ra đi của Neymar.
Từ quan điểm này, Nike cho rằng các cầu thủ trẻ nổi tiếng với tài năng và tầm ảnh hưởng đến xã hội như Mbappe, Rashford, Sancho… sẽ là những gương mặt đại diện có tầm ảnh hưởng và sức hút lẫn trong và ngoài sân cỏ hơn hẳn những Asensio, Varane hay Coman... Chính vì lẽ đó, Nike đã chấp nhận để các ngôi sao này rời đi và gia nhập các hãng đối thủ đến từ nước Đức như adidas và PUMA.
Các hợp đồng tài trợ với câu lạc bộ và cầu thủ thường kéo dài rất nhiều năm, vì thế, chúng thường là những khoản đầu tư dài hạn có rủi ro đối với các hãng thể thao. Không giống như các chiến dịch thương mại hay điện tử, ngân sách cho các chiến dịch thể thao thường được lên kế hoạch trước nhiều năm và không thể tự ý chuyển đổi hay cắt giảm. Đây là ngành công nghiệp đòi hỏi các công ty phải có tầm nhìn xa, dự đoán vị trí của các cầu thủ trong suốt 5 năm tới. Đó cũng là lí do Nike để các cầu thủ thành danh ra đi.
Có thể đúc kết lại rằng, Nike đã thay đổi chiến lược của họ nhằm hướng đến những lợi ích lớn hơn trong tương lai. Thay vì tiếp tục bỏ ra một số tiền khổng lồ để níu chân các ngôi sao hàng đầu sắp bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp thì họ có thể tập trung vào những tài năng trẻ mới nổi, có tiềm năng trở thành những cầu thủ đẳng cấp world-class trong tương lai. Với việc nắm trong tay những “wonderkids” mới của thế giới bóng đá như Kylian Mbappe, Erling Haaland, Vinicius Junior, Ansu Fati, Kai Havertz, Mason Mount, Phil Foden, Eduardo Camavinga... hãng thể thao nước Mỹ có quyền mơ mộng về một đội hình “galacticos” phiên bản Nike trong tương lai.
Theo dõi blog của Thanh Hùng Futsal để biết được những thông tin mới nhất về những đôi giày bóng đá chính hãng đã và sắp có mặt trên thị trường toàn thế giới nhé.
Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm những đôi giày bóng đá chính hãng phiên bản dành cho mặt sân cỏ nhân tạo và Futsal tại đây.