Thanh Hùng Futsal - Giày Đá Bóng Chính Hãng - 2013
icon-search.png

Có thể bạn chưa biết | Nguồn gốc ra đời của hãng thể thao số một thế giới – Nike

27/05/2021

Đứng đằng sau sự thành công và phát triển vượt bậc của hãng thể thao lớn bậc nhất thế giới – Nike là một người đàn ông tên Phil Knight. Huyền thoại đầu tư Warren Buffett đã từng nhận xét về Phil Knight trong cuốn tự truyện mang tên Nike - Shoe Dog: A Memoir by the Creator of Nike hay bản Việt mang tên là Gã Nghiện Giày, do chính CEO của The Swoosh phát hành: “Cuốn sách hay nhất năm ngoái tôi đọc là Gã nghiện giày của nhà sáng lập Nike, Phil Knight. Phil là một doanh nhân thông minh, tài năng và cạnh tranh, và cũng là một người kể chuyện xuất sắc.”

Sau khi Phil Knight tốt nghiệp cử nhân báo chí, ông nhập ngũ một năm để rồi tiếp tục học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Stanford khi đã xuất ngũ. Một ngày nọ, Giáo sư Frank Shallenberger, người dạy về môn doanh nghiệp, đã đưa ra bài tập sau cho cả lớp: Hãy tạo ra một doanh nghiệp mới, mô tả mục đích và viết kế hoạch tiếp thị cho doanh nghiệp đó. Thế là Phil Knight đã viết một kế hoạch kinh doanh với tựa đề “Giày thể thao Nhật có thể vượt qua giày Đức như máy ảnh Nhật đã thắng máy ảnh Đức không?” Với Phil Knight, giây phút ấy là thời điểm ông như tìm ra một điều gì đó đặc biệt trong cuộc đời mình với kế hoạch kinh doanh loại giày thể thao Nhật chất lượng cao với giá phải chăng tại Mỹ.

Khi Knight vào làm cho một hãng kế toán ở Portland, ông vẫn bị ám ảnh bởi nhũng đôi giày thể thao Nhật. Văn hóa Nhật và những đôi giày đã để lại dấu ấn sâu đậm trong triết lý sống và sự nghiệp kinh doanh của ông. Trong thời gian ở Nhật, Phil Knight không chỉ hành hương lên núi Fuji và nghiên cứu văn hóa châu Á mà còn đến thăm nhà máy Onitsuka tại Kobe, nơi làm ra những đôi giày Onitsuka Tigers chất lượng cao mà nó cũng chính là tiền thân của hãng giày thể thao Asics.

Ở thời điểm bấy giờ, Phil Knight luôn ngưỡng mộ chất lượng của giày Onitsuka Tigers và bản thân ông muốn hợp tác với nhà máy Onitsuka để mình có thể trở thành đại lý phân phối độc quyền giày Tigers tại Mỹ.

Khi trở lại Mỹ, Knight thuyết phục Bill Bowerman - huấn luyện viên của ông ở đại học Oregon để trở thành đồng sáng lập viên công ty Blue Ribbon Sport, nhằm mục đích phân phối giày Tigers của Onitsuka tại Mỹ. Công ty được thành lập vào ngày 25 tháng 1 năm 1964 với tên Blue Ribbon Sports nhờ bàn tay Bill Bowerman và Phil Knight, cũng như hoạt động tại khu vực Eugene, Oregon với vai trò là một nhà phân phối mẫu giày Nhật Bản Onitsuka Tiger. Trong nhiều năm tiếp theo, ban ngày Phil Knight làm kế toán viên, giờ rảnh ông chất giày Tigers đầy xe và chở đi bán dạo khắp miền Tây Bắc nước Mỹ.

Sau năm đầu tiên hoạt động, Blue Ribbon Sport đã bán được 1300 đôi giày Tigers và thu về 8.000 đô la Mỹ. Đến năm 1965, công ty non trẻ của Phil Knight đã có một nhân viên full-time đầu tiên, và doanh số của họ đạt 20.000 đô la Mỹ. Chỉ một năm sau đó, Blue Ribbon mở cửa hàng bán lẻ giày đầu tiên của họ, có địa chỉ tại 3107 Đại lộ Pico, Santa Monica, California, nằm kế bên một salon làm đẹp, nhờ vậy mà nhân viên công ty không cần phải giao hàng trên những chiếc xe như trước đó.

Cho đến năm 1967, nhờ liên tục gia tăng doanh số một cách chóng mặt, công ty của Phil Knight đã mở rộng cửa hàng hoạt động phân phối và bán lẻ của mình ra vùng Bờ Biển Đông, Wellesley, Massachusetts. Và những nổ lực của Knight đã được đền đáp, khi Blue Ribbon bán được 1 triệu đô tiền với số lượng hàng nhập về từ Onitsuka.

Tuy nhiên, thành công chẳng được bao lâu thì mối quan hệ giữa Blue Ribbon và Onitsuka Tiger đi đến hồi kết bởi nhãn hàng từ Nhật không đồng ý cung cấp sản phẩm cho công ty của Phil Knight. Thế là trong tình thế khó khăn, Knight quyết định bỏ việc kế toán để tập trung hoàn toàn cho việc kinh doanh giày. Đầu tiên ông thay đổi tên và logo của công ty, ông lấy tên mới là Nike theo đề nghị của một nhân viên tên là Jeff Johnson. Đây là tên vị nữ thần có cánh tượng trưng cho chiến thắng trong thần thoại Hy Lạp.

Blue Ribbon, với tên gọi mới là Nike thời điểm này bắt đầu chuẩn bị để tung ra một dòng sản phẩm giày của riêng mình với dấu Swoosh, tức dấu phẩy ở cạnh bên, được thiết kế bởi Carolyn Davidson. Đó chính là đôi giày Nike Cortez huyền thoại, được lấy cảm hứng từ chính những đôi giày chạy Onitsuka Tiger. Logo Swoosh lần đầu tiên được sử dụng bởi Nike vào ngày 18/1/1971, và được đăng ký bản quyền sở hữu vào khoảng 3 năm sau đó.

Chỉ một năm sau khi đổi tên công ty và cho ra mắt sản phẩm đầu tiên, Knight đã bán được số lượng lớn giày mang nhãn hiệu Nike, thu được 2 triệu đô la Mỹ. Từ đó, lợi nhuận của Nike liên tục tăng theo cấp số nhân, mỗi năm lại tăng gấp đôi so với năm trước.

Vào năm 1976, Nike thuê John Brown and Partners, một công ty có trụ sở tại Seattle, trở thành đơn vị quảng cáo đầu tiên của mình với câu slogan “Không có vạch về đích”. Đến năm 1980, Nike nắm giữ 50% thị phần đối với sản phẩm giày thể thao tại Mỹ, sau đó công ty quyết định phát hành cổ phiếu ra thị trường vào tháng 12 cùng năm. Cứ trong suốt 1 thập kỷ như thế, giá trị của Nike đã tăng một cách chóng mặt. Trong thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước là giai đoạn thành công rực rỡ nhất của Nike, từ một hãng nhỏ chỉ nhập giày chạy bộ từ Nhật về bán, Blue Ribbon, và rồi là Nike đã vươn lên và điền tên mình vào danh sách các công ty giày thể thao lớn nhất.

Điều gì đến cũng phải đến, năm 1980, Nike vượt qua adidas trở thành công ty dẫn đầu về giày thể thao ở Mỹ. Cùng năm này, công ty bắt đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán. Năm 1984, Nike ký hợp đồng với Michael Jordan – lúc ấy là tân binh đang lên của Chicago Bulls – để quảng cáo dòng giày bóng rổ mang tên Nike Air Jordan. Để rồi cái tên Michael Jordan trở thành thần tượng của giới trẻ Mỹ, đồng nghĩa với việc những đôi giày Air Jordan cũng trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa bóng rổ, văn hóa đường phố tại Mỹ. Bản hợp đồng với Michael Jordan bỗng dung trở thành bản hợp đồng trị giá bậc nhất trong làng thể thao khi Nike đã mang về lợi nhuận khổng lồ từ cầu thủ trẻ họ đã từng đặt niềm tin trong quá khứ.

Tiếp đó, Nike hợp tác cùng với Wieden+Kennedy và cả hai đã sáng tạo nên rất nhiều mẫu quảng cáo in ấn và truyền hình khác nhau. Wieden+Kennedy đến giờ vẫn tiếp tục là đơn vị phụ trách công việc quảng cáo chính cho Nike. Chính nhà sáng lập của công ty, Dan Wieden đã sáng tạo ra slogan “Just Do It” trong một chiến dịch quảng cáo vào năm 1988 của Nike, để rồi giờ đây nó trở thành slogan biểu tượng của hãng thể thao này. “Just Do It” đã được Advertising Age lựa chọn để đưa vào danh sách năm slogan quảng cáo của thế kỷ 20 và được lưu giữ lại trong Học viện Smithsonian.

Walt Stack là người xuất hiện trong quảng cáo “Just Do It” đầu tiên của Nike, được phát sóng lần đầu vào ngày 1/7/1988. Wieden cho biết nguồn cảm hứng để ông sáng tạo ra slogan này đến từ câu nói cuối cùng của Gary Gilmore trước khi bị hành quyết, “Let's do it.”

Phil Knight đã khéo léo gắn kết nền văn hóa của giới trẻ Mỹ với thể thao. Ông cũng biết sử dụng sự hâm mộ của quần chúng đối với các ngôi sao. Chiến dịch quảng cáo của Nike luôn tập trung sử dụng hình ảnh các vận động viên tài năng. Nhờ đó, trong mắt người hâm mộ họ dường như tự động gắn liền với những mẫu giày đến từ Nike.

Qua thời gian, Nike đã sản xuất ra một lượng lớn những thiết bị thể thao. Sản phẩm đầu tiên của họ là giày chạy bộ. Và rồi từ đó phát tiển lên sản xuất giày, quần áo thi đấu, quần áo thể thao… cho nhiều bộ môn khác nhau, bao gồm điền kinh, bóng rổ, bóng đá, bóng chày, khúc côn cầu trên băng, quần vợt, lacrosse và cricket.

Đến những năm đầu thập niên 90, Nike mới chính thức bước chân vào thế giới bóng đá. Năm 1994, sự kiện đình đám khi đó là World Cup được tổ chức tại đất Mỹ, khi ấy adidas đã tạo ra sự thay đổi lớn đối với thế giới bóng đá khi tạo ra đôi giày bóng đá nổi tiếng adidas Copa Mundial, được làm từ da kangaroo với trọng lượng rất nhẹ. Còn Puma là đối thủ lớn nhất của Nike khi đó đã trình làng đôi giày bóng đá Puma King do chính vua bóng đá Pele giới thiệu.

Mẫu giày bóng đá đầu tiên được Nike cho ra mắt mang tên Nike Tiempo khi 2 ngôi sao bóng đá lúc bấy giờ là Romario và Paulo Maldini được chọn làm người đại diện. Và hai cầu thủ này cũng góp mặt trong trận chung kết World Cup 1994. Năm 1996, Nike mở rộng ảnh hưởng của mình với việc tài trợ áo đấu cho đội tuyển Brazil, đội tuyển đang là đương kim vô địch thế giới khi ấy. Hai năm sau đó, The Swoosh trình làng thương hiệu giày bóng đá huyền thoại: Nike Mercurial, nó đã gây bão trong thế giới bóng đá khi chỉ có trọng lượng khoảng 200g và tiếp tục được phát triển cho đến tận thời điểm hiện tại.

Ngày nay, thương hiệu Nike đã quá nổi tiếng trong thế giới bóng đá nói riêng và thể thao, thời trang nói chung. Giày bóng đá chính hãng của Nike đã hiện diện ở khắp nơi trên thế giới, khắp các giải bóng đá lớn nhỏ khác nhau với những siêu sao đại diện tỉ đô. Để rồi từ đó, Nike và adidas tạo thành một thế cạnh tranh bất phân thắng bại tương tự như Coca-Cola và Pepsi, Apple và Samsung, DC và Marvel… Để có được tất cả những thành công như ngày hôm nay, chúng ta phải thầm cảm ơn sự nỗ lực của Phil Knight – CEO huyền thoại đã tạo nên một đế chế Nike vĩ đại của làng thể thao thế giới.

Theo dõi blog của Thanh Hùng Futsal để biết được những thông tin mới nhất về những đôi giày bóng đá chính hãng đã và sắp có mặt trên thị trường toàn thế giới nhé.

Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm những đôi giày bóng đá chính hãng phiên bản dành cho mặt sân cỏ nhân tạo và Futsal tại đây.

BÀI VIẾT NỔI BẬT

review_img dt-width-auto

Linh Nguyễn

Đã mua hàng Hàng rất đẹp, mình mua hẳn 4 cái cho 4 chị em cùng mặc 05/06/2020

Áo thun tím freesize "Medicines for heart”

Xem sản phẩm
review_product_img dt-width-auto
Sản phẩm Sản phẩm Về THF Về THF Trang chủ Trang chủ Chat zalo Chat zalo Liên hệ
article