Lịch sử hình thành và phát triển của Umbro, thương hiệu thể thao huyền thoại của xứ sương mù
Wilmslow là một thị trấn nhỏ nằm ở phía nam Manchester, thuộc hạt Cheshire ở nước Anh. Theo một cuộc điều tra dân số năm 2011, thậm chí nơi này còn không đến 30.000 cư dân, nhưng nó đã trở nên nổi tiếng trên thế giới. Thị trấn này chính là nơi đã khai sinh ra một trong những thương hiệu thể thao nổi tiếng nhất thế giới – Umbro. Có lẽ với những người mới xem bóng đá trong vài năm trở lại đây, Umbro sẽ chỉ như một thương hiệu thể thao ít tên tuổi. Thế nhưng, với những người yêu bóng đá đủ lâu, đặc biệt là với những người hâm mộ tuyển Anh, họ không thể không biết đến Umbro – một trong những thương hiệu thể thao vô cùng lâu đời gắn liền với Tam Sư và các CLB ở xứ Sương Mù.
Năm 1924, Harold Humphreys và anh trai Wallace trong một quán rượu ở Wilmslow đã thành lập nên thương hiệu Umbro, lấy tên từ cả hai anh em. Ban đầu, thương hiệu thể thao này mang tên là Humphreys Brothers, được khai sinh với mục đích tập trung mạnh mẽ vào một môn thể thao đang làm mưa làm gió thời điểm ấy ở nước Anh – bóng đá. Và đó là sự khởi đầu của câu chuyện đẹp đẽ giữa Umbro và thế giới túc cầu.
Năm 1934, Manchester City giành được FA Cup, khi vượt qua Portsmouth với tỷ số 2-1 trong trận chung kết. Sau đó 77 năm, Man City lại một lần nữa vô địch FA Cup. Đặc biệt ở chỗ, trong cả hai lần đó, những chiếc áo đấu của The Citizens đều cùng mang một nhà tài trợ: Umbro.
Cũng trong trận cung kết năm đó, Portsmouth cũng mặc chiếc áo Tangeru của Anh em nhà Humphreys, và người ta nói rằng vào cuối trận đấu, Man City đã gửi một thông điệp đến chính Umbro để cảm ơn công ty “vì sự thoải mái, chất lượng và sự sang trọng của bộ đồ thi đấu”. Ngay cả những người trên khán đài cũng tỏ ra thích thú với những chiếc áo đấu này. Và kể từ đó, Umbro bắt đầu tạo nên dấu ấn trước công chúng.
Khi thế chiến thứ hai xảy ra, thương hiệu Umbro đã không lùi bước và quyết định giúp nước Anh theo cách riêng của mình: việc sản xuất áo bóng đá tạm dừng trong một quãng thời gian và Umbro bắt đầu sản xuất đồng phục và thiết bị cho quân đội Anh. Ngoài ra, trong những năm chiến tranh kinh hoàng đó, tại nhà ăn của công ty, 250.000 binh sĩ đã được chào đón.
Vào năm 1958, Roger Bannister đã đi vào lịch sử với tư cách là vận động viên đầu tiên chạm cột mốc chạy được 1.6 km chỉ trong vòng chưa đầy bốn phút. Roger đã làm được điều này khi ông mặc lên mình bộ đồ thi đấu của Umbro. Chính những thành công bước đầu ấy đã dần đưa Umbro vươn mình ra khỏi một thương hiệu thể thao của nước Anh.
Trở lại với bóng đá, Umbro gắn liền với truyền thống của xứ Sương Mù, và không phải ngẫu nhiên mà nó đã đồng hành cùng Tam Sư qua nhiều thế hệ. Mặc dù có mối liên hệ chặt chẽ với tuyển Anh, nhưng chính Brazil mới là đội đầu tiên đưa Umbro bước lên đỉnh thế giới. Selecao năm 1958 đã đánh bại Thụy Điển với tỷ số 5-2 và nâng chiếc cúp vàng thế giới đầu tiên của họ. Nhưng có lẽ cũng chẳng cần phải chờ đợi quá lâu khi chỉ 8 năm sau đó, Umbro đã đồng hành cùng Tam sư đến với chiến thắng của VCK World Cup 1966 – chức vô địch thế giới duy nhất cho đến hiện tại tuyển Anh giành được. Ở World Cup năm ấy, thương hiệu này đã thực sự độc quyền tại giải đấu, khi có 15 trong số 16 đội tuyển mang thương hiệu của anh em nhà Humphreys. Trong khi đó, tại nước Anh, có đến 85% các câu lạc bộ mặc áo của Umbro thời điểm bấy giờ.
Một cột mốc khác cũng quan trọng không kém đối với lịch sử thành công của thương hiệu Umbro là vào năm 1970, khi World Cup được tổ chức tại Mexico – nơi chứng kiến Brazil tiếp tục trở thành nhà vô địch. Thương hiệu Anh trong giải đấu đó đã trở thành nhân vật chính khắp các sân cỏ, nhờ vào những chiếc áo thi đấu thoáng khí mang tính cách mạng lấy cảm hứng dựa trên nền văn hóa Aztec, cho phép các cầu thủ có thể đối mặt với cái nóng đầy khắc nghiệt của mùa hè Mexico.
Trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, đó có lẽ là những ngày tháng huy hoàng nhất của Umbro. Bắt đầu với kỳ World Cup Italia 90 và với một trong những chiếc áo mang tính biểu tượng nhất của tuyển Anh, với màu trắng cổ điển nhưng được cách điệu nhờ các dải ở mép tay áo có màu xanh lam đầy tinh tế, trong khi cổ áo được hoàn thiện với màu xanh lam, dọc theo thân áo là đường vân họa tiết đan xen của chính logo Umbro. Dù mẫu áo năm ấy của Umbro thoạt nhìn trông có vẻ đơn giản nhưng chúng không hề tầm thường chút nào – bởi nó đã tạo nên một cuộc săn lùng áo đấu điên đảo nhất ở thời điểm bấy giờ. Toàn bộ những chiếc áo đấu của tuyển Anh đều được mua sạch đến mức không còn hàng để bán ở các cửa hàng.
Một mẫu áo đầy tinh tế khác đến từ Umbro là mẫu áo của Lazio trong mùa giải 1992/93, với sự tương đồng cùng mẫu áo của tuyển Anh ở World Cup 90 về kiểu dáng, thay vào đó là màu xanh truyền thống của Lazio và những họa tiết khéo léo nhưng không gây nên sự khó chịu với người xem. Cũng trong quãng thời gian đó, Umbro cho ra đơi mẫu giày made in Italy được làm bằng da cực kỳ tốt đã trở thành đặc trưng của thế giới bóng đá trong suốt hai thập kỷ sau đó. Mẫu giày thi đấu khi ấy của Umbro được đánh giá là mẫu giày rất nhẹ, thanh lịch, tinh xảo nhưng hỗ trợ cực kỳ tốt trong trận đấu.
Thương hiệu Umbro cũng đồng hành với những chiến thắng lịch sử tại Champions League, chẳng hạn như chức vô địch của Celtic vào năm 1967. Thương hiệu này cũng là nhà tài trợ cho nhà vô địch châu Âu Liverpool vào năm 1977 và đặc biệt hơn cả là chức vô địch châu Âu thần thánh của Manchester United vào năm 1999, khi Quỷ đỏ có màn lội ngược dòng lịch sử trong những phút cuối cùng nhờ các bàn thắng của Sheringham và Solskjaer. Khoảnh khắc Solskjaer trượt dài trên mặt cỏ ăn mừng bàn thắng đầy vui sướng, dang rộng cánh tay càng được tôn lên hơn bao giờ hết bởi màu áo đỏ của Umbro.
Không chỉ có mỗi đội tuyển Anh, mà Man Utd cũng là một đối tác tài trợ lâu dài của Umbro, không ít những thành công của Quỷ đỏ đã gắn liền với thương hiệu huyền thoại này. Trong những năm sau thế chiến thứ hai, Man Utd gặp khó khăn trong việc tìm trang phục để thi đấu, do đó câu lạc bộ phải kêu gọi sự đóng góp từ người hâm mộ. Trong những năm 50 của thế kỷ trước, Umbro đã có nhiều thử nghiệm và áp dụng phương pháp mới cho các trang phục thi đấu bóng đá, Umbro có mối quan hệ gần gũi với HLV của Man United là Sir Matt Busby, họ đã giới thiệu trang phục thi đấu nhẹ hơn cũng như các phần phản chiếu khi thi đấu dưới ánh sáng đèn. Đến cuối của những năm của thập niên 60, Umbro đã cho ra mắt bộ trang phục thi đấu có khả năng thoáng khi từ công nghệ aertex.
Sau khi Man Utd chia tay Umbro trong gần 3 thập kỷ để hợp tác với Admiral và adidas, Umbro đã một lần nữa không thể để mất một đội bóng lớn như Man Utd. Để cạnh tranh, Umbro nhanh chóng thích nghi với thị trường đang biến đổi bằng cách đàm phán các thỏa thuận với các câu lạc bộ lớn của Anh từ cuối thập niên 1970 bao gồm Arsenal, Everton Liverpool và Man City. Đến năm 1992, Umbro đã đồng ý một hợp đồng 4 năm đầu tiên với Man Utd, đến năm 1996 thì được kéo dài thêm bằng một hợp đồng 6 năm, với tổng giá trị khoảng trị giá 60 triệu bảng Anh vào thời điểm ấy. Đến tháng 8 năm 2003, Office of Fair Trading – tổ chức bảo vệ người tiêu dùng và pháp luật cạnh tranh của Vương quốc Anh đã phạt Man Utd 1,6 triệu bảng và Umbro 6,4 triệu bảng, cũng như một số nhà bán lẻ Anh, sau khi tiến hành một cuộc điều tra trong năm 2002 về việc các bên xác định giá giao dịch trong các hợp đồng tài trợ và có xu hướng lách luật để trốn thuế.
Nếu trong quá khứ, Umbro là một thương hiệu thể thao vô cùng lớn mạnh, thì ngày nay mọi thứ đã thay đổi, số lượng các nhà tài trợ thể thao đã tăng lên, và những gã khổng lồ như adidas, Nike hay Puma đã chiếm được thị phần lớn. Về phần mình, Umbro đã không từ bỏ và cố gắng mở rộng tầm nhìn của mình ở những nơi khác, nhưng họ không thể đạt được thành công như những ông lớn trên.
Umbro từng là nhà tài trợ chính cho các đội như Man United, Chelsea, Celtic… nhưng trong nhiều năm qua, họ đã mất hợp đồng tài trợ về tay Nike và adidas. Dù trong những năm 2000, Umbro vẫn là nhãn hàng cung cấp trang phục cho trọng tài ở giải Premiership, là nhà sản xuất đồ thể thao chính thức của cúp FA, tài trợ chính của sân Wembley, nhưng hãng thể thao này đã dần bị hụt hơi.
Lý do Umbro ít xuất hiện ở Euro và World Cup hơn bởi việc tuyển Anh thi đấu bết bát. Dù rằng Umbro tài trợ “bao sân” ở Vương Quốc Anh, từ tuyển Anh, đến Bắc Ireland nhưng người Anh thất bại hoàn toàn trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2010 nên logo hình thoi của Umbro dần bị lu mờ khỏi những giải đấu lớn.
Có lẽ chỉ một ngoại lệ đến từ World Cup 2006, bất chấp kết quả thi đấu không tốt khi tuyển Anh bị loại khỏi tứ kết trước Bồ Đào Nha, kỳ World Cup năm ấy lại giúp doanh số bán hàng của Umbro tăng 41%, lên mức 247 triệu bảng Anh trong hai quý đầu năm. Số lượng những chiếc áo đấu của Tam Sư được thiết kế cho nữ lên đến 150.000 cái.
Ông Peter McGuigan, giám đốc điều hành Umbro khi ấy tuyên bố: “World Cup là cơ hội có một không hai để chúng tôi quảng bá thương hiệu của mình”. Vì vậy, ngoài hợp đồng tài trợ trang phục và các dụng cụ thi đấu cho đội bóng quê hương, Umbro còn vươn cánh tay sang các đội tuyển quốc gia khác tham dự World Cup 2006 như Mexico và Thuỵ Điển. Hãng cũng có hợp đồng quảng cáo với các ngôi sao thời điểm đó như Michael Owen, Deco, John Terry, Luis Garcia và Tim Cahill.
Thế nhưng, mối lương duyên lâu dài giữa tuyển Anh và Umbro đã kết thúc vào năm 2012 khi LĐBĐ Anh đã quyết định chuyển sang hợp tác với Nike theo một bản hợp đồng có giá trị lớn hơn Umbro rất nhiều. Được biết, thời điểm ấy, hãng thể thao của Mỹ phải chi ra hơn 20 triệu bảng/năm để vượt mặt Umbro. Tuy nhiên, có lẽ ít ai biết rằng, Umbro thực chất đã bị mua lại bởi Nike vào năm 2008. Đến năm 2013, Umbro trở thành công ty con của công ty Mỹ Iconix Brand Group.
Trải qua gần một thế kỷ, Umbro đã ghi dấu với những thành công khi đồng hành cunfgn hững đội tuyển, các câu lạc bộ bóng đá và là một hãng thể thao biểu tượng tại xứ Sương Mù. Với những người yêu bóng đá hoài niệm, Umbro là một biểu tượng bất hủ trên những chiếc áo đấu của tuyển Anh trong quá khứ với logo hình thoi huyền thoại, đồng hành cùng thế hệ vàng của Tam Sư với những David Beckham, Frank Lampard, Steven Gerard, Rio Ferdinand, Michael Owen, … đã in sâu vào tiềm thức của những người yêu trái bóng tròn bằng những mẫu áo tuy đơn giản nhưng lại cực kỳ tinh tế với những hoa văn và màu sắc độc đáo hòa hợp giữa tính thời trang lẫn thể thao. Chỉ tiếc rằng, vì không thể cạnh tranh lại với những ông lớn như Nike, adidas hay Puma trong nhiều năm qua, mà cái tên Umbro đã gần như bị rơi vào quên lãng.Theo dõi blog của Thanh Hùng Futsal để biết được những thông tin mới nhất về những đôi giày bóng đá chính hãng đã và sắp có mặt trên thị trường toàn thế giới nhé.
Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm những đôi giày bóng đá chính hãng phiên bản dành cho mặt sân cỏ nhân tạo và Futsal tại đây.