Vì sao 2002 là kỳ World Cup bước ngoặt của các hãng giày đá banh?
2002 - năm được xem là kỷ nguyên vàng của nền văn hóa bóng đá thế giới, tiêu biểu là kỳ World Cup trên đất Nhật Bản và Hàn Quốc. Đó là thời kỳ mà những cầu thủ, sản phẩm và các chiến dịch marketing đều đạt được sự cân bằng hoàn hảo, góp phần thúc đẩy một hướng đi mới cho môn thể thao vua. Trong phạm vi bài viết ngày hôm nay, hãy cùng Thanh Hùng Futsal khám phá thêm về kỳ World Cup 2002 với đầy ắp những điều thú vị nhé!
Chắc chắn đã có những kỳ World Cup lớn và ngoạn mục khác trước năm 2002: những trận cầu đầy kịch tính nhưng cũng đầy đam mê trên đất Italia 1990, những cảnh tượng hoành tráng tại Mỹ 1994 và Pháp 1998. Nhưng 2002 dường như là kỳ World Cup hội tụ tất cả những gì tinh túy nhất của các kỳ World Cup trước đó: từ cầu thủ đến những sản phẩm, chiến dịch… Tất cả đều được đẩy lên một nấc thang mới. Đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt cực lớn trong lịch sử Túc cầu giáo: là kỳ World Cup đầu tiên của thế kỷ 21 và cũng là kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức tại châu Á. Thêm vào đó là một thế hệ cầu thủ vàng và sự phát triển, đổi mới nhanh chóng của những dòng sản phẩm, kết hợp với nhu cầu tiêu dùng lớn hơn được thúc đẩy bởi sự ảnh hưởng ngày càng tăng của internet.
Những hạt giống đã được gieo tại các kỳ World Cup trước, đặc biệt là với sự xuất hiện của Nike vào năm 1994 và sau đó là sự thăng hoa vào năm 1998 nhờ sự ra mắt của Mercurial trên đôi chân của Ronaldo Béo. Bốn năm trôi qua, vị trí của nhà Swoosh trên thị trường giày đá bóng đã phát triển lên một tầm cao mới và đã có thể được xem là đối thủ chính của adidas.
Trong bốn năm kể từ kỳ World Cup trên đất Pháp, Nike đã nhanh chóng xây dựng vị thế của mình như một thế lực thực thụ trong làng bóng đá, được củng cố bởi sự phát triển không ngừng của Mercurial và Tiempo. Nhà Swoosh đã chọn Ronaldo là gương mặt đại diện chính của hãng trong chiến dịch World Cup 2002 tại Hàn Quốc và Nhật Bản, mang đến cho anh một “món vũ khí” mới nhằm chinh phục tiếp một đỉnh cao khác cùng tuyển Brazil: Mercurial Vapor.
Hướng đến WC 2002, bên cạnh Mercurial và Vapor thì hãng còn có trong tay Air Zoom Total 90. Thế hệ đầu tiên đã tạo được dấu ấn cho riêng mình vào năm 2000, và bây giờ, trước kỳ WC 2002 là thời đại của Air Zoom T90 II - phiên bản hoàn hảo nhất trong silo giày đá banh đình đám này. Được mang bởi những Luis Figo, Paul Scholes, Francesco Totti và Roberto Carlos, Air Zoom T90 II có lớp upper làm từ chất liệu da tổng hợp KNG-100 G mềm mại, kết hợp với hệ thống dây nghiêng về phía mở ngoài, cùng với đó là phối màu chia đôi độc đáo. Đây chính là mẫu giày định hình cho những người hậu bối sau này của Nike như: Hypervenom, Phantom Venom và gần đây nhất là Phantom GT.
Không chỉ là về sản phẩm, Nike còn có một dàn sao vô cùng hùng hậu và chất lượng để tạo nên một trong những chiến dịch quảng cáo bóng đá vĩ đại nhất trong lịch sử. 24 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới được chia thành 8 đội, thi đấu 3vs3 với nhau. Tất cả đều diễn ra trên một chiếc tàu, trong một cái lồng, và đội đầu tiên ghi bàn sẽ giành chiến thắng. Hoà cùng một giai điệu sôi động và bắt tai là một Eric Cantona ở vị trí trọng tài. Mọi thứ đều được gói gọi trong “The Secret Tournament". Đây là một chiến dịch quảng cáo đã làm thỏa mãn những ước mơ cháy bỏng của một lứa thế hệ người hâm mộ, khi họ đã luôn ao ước sẽ được thấy những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới sát cánh với nhau để hướng về một chiến thắng sau cùng. Nike quả là biết cách làm nóng hơn nữa bầu không khí vốn đã cực kỳ sục sôi của kỳ World Cup đầu tiên trong thế kỷ 21 khi cho ra mắt đoạn video này vào tháng 3 năm 2002.
Sẽ là một sự thiếu sót lớn khi chỉ tập trung vào Nike mà quên mất một ông lớn khác trong làng túc cầu giáo cũng đang ráo riết chuẩn bị cho kỳ WC tại Hàn Quốc và Nhật Bản: adidas. Và khi nhắc tới adidas thời kỳ đó, chúng ta không thể nào bỏ quên mẫu giày đình đám nhất của hãng là Predator Mania với bộ ba sắc đen, đỏ, trắng. Đây là sự nâng cấp từ những thế hệ trước đó và vẫn giữ nguyên chiếc lưỡi gà rời gập quen thuộc. Nối bước những Accelerator vào năm 1998 và Mania vào năm 2000, Predator Mania là “ngôi sao chính” của hãng tại kỳ World Cup 2002, trên chân của những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới thời bấy giờ là Zidane, David Beckham, Raul, Rui Costa và Del Piero. Trước thềm World Cup, Zizou đã tạo nên dấu ấn đầu tiên của đôi giày này với cú volley ngoạn mục vào lưới Bayer Leverkusen trong trận chung kết Champions League. Và bây giờ, tại sân khấu lớn nhất thế giới, chúng sẽ tiếp tục được sử dụng để viết nên những câu chuyện thần tiên bởi những cầu thủ với lối chơi hào hoa bậc nhất lịch sử túc cầu giáo.
Nếu phần lớn những đôi giày đá bóng ở năm 2002 đều có màu đen thì Predator Mania lại là một ngoại lệ khi đây là một trong những mẫu giày đầu tiên được ra mắt với nhiều phối màu khác nhau, mang đến cho cầu thủ nhiều sự lựa chọn hơn, như: Gunmetal (xám đậm), Red (đỏ) và Blue (xanh dương). Nhưng có một phối màu đã vượt lên trên tất cả. Mỗi khi có người nhắc đến Predator Mania là phải nói đến phối màu này, chính là màu rượu Champagne.
Đối với adidas, chỉ có duy nhất một ngôi sao có thể thể hiện được hết lối chơi với đầy sự tinh tế của mình khi mang trên chân phối màu Champagne của Predator Mania tại kỳ World Cup năm đó - mẫu giày với thiết kế bổ sung cho quả bóng thi đấu chính thức. Và người đó không ai khác ngoài David Beckham! Đây là kỳ World Cup đầu tiên mà Beckham mang trên tay tấm băng đội trưởng tuyển Tam Sư. Anh ấy đã một mình gồng gánh cả tuyển Anh đến với vùng Đông Á bằng quả đá phạt vào phút cuối trước Hy Lạp ngay trên thánh địa Old Trafford và chỉ đành ngậm ngùi về thứ 2 sau Luis Figo trong cuộc đua danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA năm 2001. Tại vòng bảng năm đó, tuyển Anh được xếp cùng bảng với Argentina - một dịp không thể hoàn hảo hơn để Tam Sư trả mối thù năm 1998. Del Piero và Rui Costa cũng mang trên chân phối màu Champagne tại kỳ World Cup năm đó, nhưng mọi tâm điểm dường như đều dồn vào mỗi Beckham!
Mỗi trận đấu của tuyển Anh năm đó, Beckham đều được trang bị riêng một đôi giày với những chi tiết cá nhân được in trên phần lưỡi gà của Mania. Chẳng hạn như anh đã in tên các con mình bằng tiếng Nhật trên phần lưỡi gà này, cùng với đó là lá cờ St George và tên nước Anh. Điều này khởi nguồn cho một trào lưu mới trên thị trường giày đá bóng khi hàng vạn đứa trẻ cũng muốn được in những gì chúng thích lên phần lưỡi gà giày như thần tượng của mình.
Bên cạnh những đôi giày thì còn đó cuộc chiến về trang phục thi đấu giữa Nike và adidas, khi hai hãng tài trợ cho 18 trên tổng số 32 đội góp mặt tại kỳ World Cup năm 2002. Đó là thời điểm mà thiết kế của những bộ trang phục thi đấu đã được làm bớt rộng thùng thình hơn như những năm 90, thay vào đó là những thiết kế nhằm tối ưu hoá khả năng chơi bóng của cầu thủ hơn. PUMA và Kappa cũng không chịu tỏ ra thua kém khi liên tục cho ra mắt những mẫu áo phá cách. Điển hình là PUMA với trang phục thi đấu không tay như những chiếc áo dùng trong bóng rổ dành cho Cameroon. Kappa tiếp tục với xu hướng trình làng những mẫu áo ôm sát cơ thể từ Euro 2000 cho tuyển Ý. Những dấu hiệu đầu tiên về bộ sưu tập Teamgeist 2006 của nhà Ba Sọc cũng đã dần hiện hữu trên các bộ trang phục tại thời điểm này.
Cũng không thể không nhắc đến quả bóng thi đấu chính thức. Quả bóng 2002 là quả bóng World Cup đầu tiên không được thiết kế theo khuôn mẫu Tango. Thay vào đó, adidas đã giới thiệu “Fevernova” mang đến một diện mạo hoàn toàn mới với những họa tiết rực lửa trên nền vàng kim. Đúng vậy, một quả bóng vàng cho một kỳ World Cup. Đây dường như là một điều không tưởng tại thời điểm đó. Nhà Ba Sọc đã mang đến một cuộc cách mạng vào 4 năm trước đó khi trình làng quả bóng đầu tiên không chỉ có 2 sắc trắng đen, mà thay vào đó, họ đã kết hợp hai sắc xanh lam và đỏ trên một nền trắng. Nhưng quả bóng vàng lần này đã thực sự vượt lên trên những khuôn mẫu thông thường và đã trở thành một biểu tượng theo đúng nghĩa của nó.
Tuy nhiên, tất cả sản phẩm sẽ không có ý nghĩa gì nếu thiếu đi những cầu thủ đại diện cho chúng. Và đây là thời điểm mà họ được chú ý hơn bao giờ hết, bất kể là trên hay ngoài sân cỏ. Đột nhiên các cầu thủ được phép mang trang sức khi thi đấu, tạo ấn tượng với vẻ ngoài hay với chính đôi giày của họ. Cho dù đó là kiểu tóc gây tranh cãi (như của Ronaldo béo và Beckham) thì mọi thứ vẫn được chấp nhận. Điều đó góp phần khuyến khích cầu thủ tự tin thể hiện cá tính của mình như những gì chúng ta thấy ngày nay.
Tất cả những yếu tố trên không chỉ biến năm 2002 trở thành một trong những kỳ World Cup đáng nhớ nhất mọi thời đại (cùng với đó là những scandal không thể nào quên của nước chủ nhà Hàn Quốc), mà còn là một cách tuyệt vời để mở đầu cho một kỷ nguyên bóng đá mới trong một thiên niên kỷ mới, đóng vai trò là chất xúc tác để đưa bóng đá phát triển như ngày hôm nay. Đối với tất cả những kỳ World Cup trước và sau đó, không có kỳ World Cup nào có thể tạo được sự ảnh hưởng lớn đối với nền văn hóa bóng đá như các năm 2002 đã làm được.
Theo dõi blog của Thanh Hùng Futsal để biết được những thông tin mới nhất về những đôi giày bóng đá chính hãng đã và sắp có mặt trên thị trường toàn thế giới nhé.
Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm những đôi giày bóng đá chính hãng phiên bản dành cho mặt sân cỏ nhân tạo và Futsal tại đây.