Vì sao giày thường hở mũi sau một thời gian sử dụng?
Hở mũi giày là một trong những điểm yếu thường trực của một đôi giày đá bóng. Nó xuất phát từ cấu tạo của chính đôi giày và đặc trưng thi đấu của bộ môn bóng đá. Vậy nên việc hở mũi hầu như sẽ xuất hiện trên mọi đôi giày, không sớm thì muộn.
Vậy bạn có nên lo lắng khi thấy mép giày hở một vết nhỏ hay không? Mình sẽ trả lời luôn là không. Lý do tại sao thì hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé.
Những lý do khiến giày bạn bị hở mũi, hở mép và những cách để khắc phục.
Thiết kế của đôi giày và đặc thù môn bóng đá: động tác chuyền và sút khiến đôi giày chịu lực đa số ở phần mép nối giữa đế và upper. Bóng đá là môn thể thao vận động cường độ cao, vì vậy công cụ để bạn thi đấu bộ môn này – tức đôi giày đá bóng bạn mang trên chân – cũng là nơi chịu rất nhiều tác động từ bên trong lẫn bên ngoài. Khi bạn chuyền hoặc sút bóng, upper đôi giày chịu một lực tác động từ quả bóng. Khi bạn chạy, đổi hướng di chuyển hoặc tranh cướp bóng trên sân, cả upper và đế giày sẽ chịu lực theo hai hướng khác nhau (đế giày sẽ ghìm chân bạn lại trong khi upper bị kéo theo bàn chân của bạn bên trong đôi giày).Do đó vị trí nối giữa upper và đế giày luôn là điểm chịu rất nhiều lực tác động.
Phần mép nối giữa đế giày và upper lại không có gì che chắn hay giữ lại, vì vậy sau khi bị tác động trong một thời gian đủ lâu, vị trí mép nối giữa đế và upper sẽ bị hở ra là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên bạn không nên quá lo lắng bởi chính thiết kế của đôi giày cũng đã được tính toán để duy trì độ bền của nó trong suốt thời gian sử dụng. Phần upper của giày được làm từ một mảng vật liệu đủ lớn để khi dán xuống đế giày, phần vật liệu thừa ra ở rìa của upper sẽ kéo dài đến tận bên dưới bàn chân của bạn. Độ lớn như vậy là để giúp cho bề mặt dán keo được rộng ra, giúp cho độ bám dính tốt hơn. Loại keo được sử dụng để ráp một đôi giày cũng không phải là keo dán bình thường bạn có thể mua ngoài chợ, đó thường là những loại keo chuyên dụng với độ bám dính cao, thậm chí một số quy trình sản xuất giày đá bóng có thể gồm 2 đến 3 lần phủ keo và làm khô bằng tia UV để đảm bảo độ chắc chắn cho vị trí trọng yếu của đôi giày.
Và cũng nhờ một phần vật liệu của upper kéo xuống đến tận phần đế giày bên dưới bàn chân, khi bạn mang giày trên chân và thi đấu, thật ra bạn đang đạp lên chính phần rìa của upper bên dưới. Vì thế dù phần mép liên kết giữa đế và upper có bị hở ra đôi chút, thì cũng rất khó để đế giày và upper bị đứt lìa nhau ra.
Do thói quen vận động của từng người.
Mỗi người đều có thói quen khi đá bóng của riêng mình. Trong một vài trường hợp, việc hở mũi giày nói riêng hay giày bị hư hỏng nói chung cũng có phần liên quan đến những động tác của bạn trên sân bóng. Một số người thường hay kéo lê chân trụ, hoặc “xúc” chân sút xuống mặt cỏ. Điều này cũng góp phần rất lớn khiến đôi giày của bạn nhanh bị hư hỏng và đặc biệt là bị hở mũi giày.
Mặt sân cỏ nhân tạo được làm từ những sợi cỏ nhựa mỏng bằng nhựa, và chất liệu nhựa này có độ “bén”. Khi bạn kéo lê chân trụ hoặc chân sút và ma sát phần upper đôi giày xuống mặt cỏ nhiều hơn mức cần thiết, một lượng lớn nhiệt lượng sẽ được tạo ra từ quá trình ma sát này, làm mòn phần mép dán giữa upper và đế giày. Điều này sẽ tạo áp lực rất lớn lên đôi giày và góp phần làm cho việc hở mũi giày xảy ra nhanh hơn.
Cách hữu hiệu nhất để khắc phục điều này chính là hãy tập cho mình một thói quen thi đấu hợp lý, hạn chế những động tác thừa như kéo lê chân trụ. Tập sút và chuyền theo đúng thao tác chuẩn cũng sẽ giúp ích cho bạn trong vấn đề này, bởi thao tác chuẩn sẽ không để chân sút của bạn bị va quẹt xuống mặt sân cỏ.
Do size giày chưa chuẩn.
Trong một số trường hợp, việc kéo lê chân trụ hay chân sút xuống mặt cỏ như vừa nêu trên cũng xuất phát từ việc bạn chọn cho mình một đôi giày quá to so với bàn chân. Phần mũi giày dài hơn mũi chân khiến khi sút, chuyền hay đơn giản là chạy trên sân cũng làm cho đôi giày của bạn bị “va quẹt” xuống mặt sân nhiều hơn bình thường.
Vì vậy, hãy dành thời gian tìm kiếm và lựa chọn cho mình một đôi giày phù hợp. Bạn có thể quen mang giày dài hơn chiều dài bàn chân, nhưng nhìn chung, chiều dài “chuẩn” của một đôi giày là khi phần mũi giày dài hơn mũi chân của bạn một khoảng bằng chiều rộng của ngón tay cái. Mình hay gọi đây là quy tắc “ngón tay cái” khi mua giày cho bản thân. Nếu bạn mang một đôi giày có chiều dài phù hợp nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ vừa vặn, như bàn chân bị đau tức hay có những vị trí bị nóng rát khi mang thử giày trong một thời gian, thì có khả năng là do form giày này không phù hợp với bạn. Hãy tiếp tục thử những đôi giày khác với các form giày khác nhau để tìm ra cho mình một form giày ưng ý.
Do điều kiện mặt sân.
Một thực tế rõ ràng là chất lượng mặt sân ở cả thể loại cỏ nhân tạo lẫn cỏ thật tại Việt Nam đều không thể nào so sánh được với tiêu chuẩn quốc tế. Nếu bạn đang thi đấu trên những mặt sân xấu với bề mặt cỏ thưa thớt hoặc cỏ cũ, chai sạn và nhiều cát đá, hiển nhiên là đôi giày của bạn sẽ chịu nhiều tác động từ bên ngoài hơn. Khi kết hợp với những nguyên nhân ở phía trên, chẳng hạn như bạn có thói quen kéo lê chân trụ và còn chơi trên mặt sân xấu, hiển nhiên là phần mép giày sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn gấp nhiều lần bình thường và sẽ hư hỏng nhanh hơn nữa.
Để khắc phục vấn đề này, mình chỉ có thể nói là hãy ưu tiên tìm những mặt sân đủ đẹp để thi đấu, hoặc chí ít là sân đừng quá xấu. Còn nếu khu vực mà bạn sinh sống chỉ toàn những sân cỏ xấu, thì hãy cố gắng khắc phục những vấn đề khác mình đã nêu ở trên. Chẳng hạn như hãy tập cho mình thói quen vận động và thi đấu đúng chuẩn, lựa chọn cho mình một đôi giày với kích thước phù hợp. Khi đó, ít ra bạn sẽ giảm thiểu được phần nào những tác động xấu đến đôi giày của mình.
Do tỉ lệ lỗi trong sản xuất.
Những nguyên nhân làm hở mũi giày, mép giày vừa nêu ở trên là các nguyên nhân chủ quan, vậy còn nguyên nhân khách quan mà chúng ta vẫn phải nói đến đó là tỉ lệ lỗi của nhà sản xuất.
Phải chấp nhận rằng dù là một nhà sản xuất lớn với máy móc tân tiến đến mức nào đi nữa, với việc sản xuất ra hàng triệu sản phẩm mỗi năm thì bất kỳ nhà máy nào cũng phải có tỉ lệ sản phẩm lỗi bị lọt qua khâu kiểm tra chất lượng và đến tay người mua.
Khi bạn chắc chắn rằng mình đã mua giày và mang giày đúng cách, không có những thói quen không tốt cho giày khi thi đấu, và mặt sân cũng đã đủ đẹp, nhưng đôi giày vẫn tự “bung mép” một cách khó hiểu thì hãy chấp nhận rằng mình đã mua phải một sản phẩm lỗi. Những lúc như vậy, cách duy nhất bạn có thể làm là đổi trả sản phẩm nếu nó được bảo hành. Với trường hợp mua giày từ các cửa hàng có chính sách bảo hành, đổi trả, hãy đem giày của bạn đến cửa hàng để được bảo hành. Đó cũng là lý do mà chúng mình luôn khuyến khích các bạn luôn mua giày từ những cửa hàng uy tín và có những chính sách bảo hành rõ ràng, minh bạch. Nếu bạn chưa tìm ra được cửa hàng nào đủ tin tưởng, hãy đến Thanh Hùng Futsal để được trải nghiệm không gian mua giày, thử giày chất lượng, uy tín với những chính sách bán hàng hấp dẫn nhé.
Nhìn chung thì như mình đã nói, việc đôi giày bị hở mũi hay hở phần mép dán giữa upper với đế giày xuất phát từ cấu tạo của đôi giày và chính đặc trưng của bộ môn bóng đá và dù bạn gìn giữ một đôi giày thế nào đi nữa, sớm muộn gì vấn đề này cũng sẽ xảy ra. Và nhà sản xuất cũng đã lường trước các vấn đề này, để tạo ra một thiết kế giúp giảm thiểu hậu quả từ vấn đề này. Vậy nên bạn đừng quá lo lắng khi thấy đôi giày yêu quý của mình xuất hiện một vết hở nhỏ ở mép giày. Nếu cảm thấy không yên tâm, hãy nhắn tin cho chúng mình biết, đội ngũ tư vấn tại Thanh Hùng Futsal luôn sẵn sàng giúp bạn kiểm tra và đề xuất những phương án tốt nhất.
Theo dõi blog của Thanh Hùng Futsal để biết được những thông tin mới nhất về những đôi giày bóng đá chính hãng đã và sắp có mặt trên thị trường toàn thế giới nhé.
Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm những đôi giày bóng đá chính hãng phiên bản dành cho mặt sân cỏ nhân tạo và Futsal tại đây.